Thursday, August 26, 2010

Tranh thiền

Tranh thiền


Tranh thiền là một loại tranh rất khó vẽ, đòi hỏi người vẽ có sức tập trung cao. Tranh vẽ trên một loại giấy rất mỏng dễ rách nên nét vẽ không thể dừng lâu ở một chỗ và cũng không thể bôi sửa vì sẽ làm rách giấy. Tranh thường vẽ bằng mực đen . Mỗi một nét vẽ cần phải có sự định thần và nét bút phải dứt khoát đều đặn thì bức tranh mới có thể thành công .
Vẽ tranh thiền là một cách để các thiền sinh thể nghiệm sức định của tâm trí. Mục tiêu của tranh là thể hiện trạng thái của tâm . Tranh thường vẽ lên quan hệ giữa người và thiên nhiên mà lời nói không thể diễn tả được .
Tranh là trạng thái tĩnh, biểu lộ cuộc sống rất thâm trầm nhưng quá trình hình thành một bức tranh lại là trạng thái động. Tranh "điệu múa sư tử" biểu hiện một con sư tử đang yên lặng nhập định nhưng quá trình mô tả của họa sĩ thì có lẽ đã phải quan sát không biết bao nhiêu trạng thái sư tử múa mới có thể vẽ được một bức tranh như thế. Bức tranh vẽ sự lặng im của biển cả với bãi cát trắng trải dài vô tận, họa sĩ có lẽ phải mất hết nửa đời người mới có thể tìm được hứng khởi để phác họa trong chốc lát. Vậy mà cái hứng khởi đó đối với thiền giả chỉ cần nhón tay một cái, tùy ý tùy cơ có thể đạt được một cách dễ dàng.
Tranh thiền đã xuất hiện ở Trung Hoa từ cuối đời Đường khi sang đến đời Tống thì nghệ thuật này phát triển khá mạnh. Tranh thiền được du nhập sang Nhật vào đầu thế kỷ 15 do sự phổ biến của Josetsu. Từ sau thế kỷ 15 thì kỹ thuật vẽ tranh thiền tại Nhật tiến thêm một bước nhờ vào việc phát triển các kỹ thuật vẽ mới của sư Sesshu Toyo (1420-1506). Đó là kỹ thuật "shin" để vẽ những nét gãy to, bén và kỹ thuật "sho" để vẽ các đường mờ dùng cho vẽ cảnh.
Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc ,chúng ta thường thấy những chủ đề ước lệ quen thuộc được thể hiện với màu sắc đậm nhạt hoặc tươi vui sặc sỡ. Các chủ đề này lặp đi lặp lại gần như nhàm chán và khai thác suốt nhiều thế kỷ qua, đại loại như hoa (đào, mai, lan, cúc, sen, thủy tiên, mẫu đơn, tử đằng, quỳnh), điểu cầm (phụng, ưng, hạc, két, quạ, chim cút, vịt trời, gà vịt, ngan ngỗng), muông thú (hổ, ngựa, lừa, trâu bò, dê, nai), vật truyền thuyết (long, lân), thuỷ tộc (tôm ,cá ,cua), côn trùng (bướm, chuồn chuồn, dế, bọ ngựa, sâu, kiến), cây cối (tùng bách, tre trúc, ngô đồng, dương liễu, phong), phong cảnh (mây nước sông biển, núi non, thác ghềnh, khe suối), trái cây, nhân vật (thật và truyền thuyết)... Chính vì thế nền hội họa Trung quốc lâm vào ngỏ cụt , họa sĩ lúng túng trong mê lộ: bất kỳ ý tưởng nào cũng là cũ kỹ mà các tiền bối đã khai thác hết rồi. Loại tranh này chẳng còn gì tân kỳ nữa, rốt cuộc chỉ là những màu sắc trang trí trong phòng thất mà thôi.
Kể từ khi thiền lớn mạnh ở Trung Hoa và du nhập vào Nhật Bản . Lối sống của thiền đã thổi vào hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới . Tôn chỉ của thiền là phi - phương - tiện nên thiền họa cũng đơn giản tối đa tưởng chừng phi - nghệ - thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn , và được thể hiện theo phong cách đặc biệt : tiết giảm nét vẽ và chừa nhiều khoảng trống trên giấy (gọi là bút pháp một góc: one-corner style).
Tranh Trung Quốc thường gọi là tranh Tàu có hai loại bút pháp trái ngược nhau: "công bút" và "ý bút", có thể độc dụng hay kiêm dụng trong tranh. "Công bút" là lối vẽ tỉ mỉ công phu trau chuốt từng chi tiết nhỏ. "Ý bút" là bút pháp tả ý chấp nhận màu sắc, nhưng trong thiền họa bút pháp này ly khai màu sắc, chỉ có mực đen giấy trắng mà thôi. Người Nhật gọi là sumiye (mặc hội: vẽ bằng mực đen), Trung Quốc gọi là mặc họa. "Mặc" tức là mực đen, làm bằng bồ hóng và keo. Bút làm bằng lông các thú như dê, thỏ, chồn, sói và ngậm được nhiều mực. Giấy vẽ là loại giấy cực mỏng, đặc biệt là giấy Tuyên mà ta quen gọi là "xuyến chỉ". Từ đời Tống trở về trước, tranh Trung Quốc chủ yếu dùng lụa. Từ đời Tống về sau, do kỹ thuật làm giấy tinh xảo hơn, bắt đầu xuất hiện giấy Tuyên. Nói chung, vẽ sơn thủy và tả ý chủ yếu dùng giấy; vẽ nhân vật, điểu, hoa chủ yếu dùng lụa để dễ đạt sự tinh vi tỉ mỉ. Nhưng dù lụa hay giấy, cả hai đều là chất liệu lý tưởng vì hút mực dễ dàng. Điểm này khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương.
Giấy mỏng , dễ rách được chọn làm công cụ để vẽ tranh nên đường nét cũng phải lướt đi thật nhanh , họa sĩ chỉ vẽ những gì thật cần thiết không thể nào dậm vá hay sửa chữa vì nếu dừng lại lâu giấy sẽ ẩm ướt và rách.
Mục đích của tranh thiền là họa sĩ phải tự do , không gò ép , để dòng cảm hứng của mình trôi đi một cách tự nhiên . Nét vẽ dường như là một tổng thể của một sức mạnh huyền bí nào đó dẫn dắt đi , không để cho họa sĩ kiểm soát cảm hứng của mình . Ðấy là khả năng phi - kiểm - soát , một sự phi - kiểm - soát đầy khổ luyện. Nếu giữa bút và giấy có xen vào sự suy tư , lý luận nào đó, điều này sẽ phá hỏng họa phẩm. Chúng ta sẽ lầm nếu cho rằng bức tranh chỉ là những nét nguệch ngoạc cẩu thả vô lối. Đường nét của tranh thiền là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh (perspective) và luật vẽ bóng (chiaroscuro) (phân biệt rõ cái gần với cái xa ...) - vốn là định luật cơ bản của lối họa Tây phương để dựng hình ba chiều. Tranh thiền từ bỏ quan niệm không gian, thời gian, tương đối và chủ quan ,điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét vẽ phải sống động như luồng sinh khí của một thực thể.
Nếu so với lối họa Tây Phương có bố cục chặt chẽ và hệ thống thì tranh thiền nghèo nàn, hình thức sơ sài , đường nét giản lược . Thế nhưng chúng ta có thể nhìn thấy sau những nét chấm phá đơn giản, đậm nhạt , ẩn tàng một sức sống kỳ diệu . Màu đen đậm nhạt trên tờ giấy trắng tượng trưng cho Âm Dương làm nổi bậc lẫn nhau . Đen và trắng tượng trưng cho cặp mâu thuẫn gay gắt trong thế giới nhị nguyên : đen- trắng , đúng -sai , tốt - xấu ,thiện - ác ,hạnh phúc - đau khổ ... Tư tưởng thiền là phá cái chấp đó bởi thế trong tranh với những nét đen trắng đậm nhạt ấy chừng như vô nghĩa : nhánh cây khô , cục đá, một bông huệ cô đơn , đều chuyển tải được sự sống một cách linh động . Một bông đào lay trong gió là hình ảnh mong manh nhưng đẹp đẻ trong cơn giông tố của cuộc đời . Một chiếc thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập vào cuộc sống vĩnh cữu giữa dòng đời dâu biển.
Tranh thiền không phải là một sao bản , một hình chụp của thực thể . Một nét chấm hay một đường cong không tượng trưng cho con chim hay ngọn núi, mà nét chấm đó chính là con chim, đường cong đó chính là ngọn núi, bởi vì thiền họa phải là sáng tạo. Một sự vật trong tranh thiền phải giống - thực mà dường như không - giống - thực, phải tràn đầy mà dường như khiếm khuyết. Họa sĩ không phóng ra mọi nỗ lực để chụp nguyên hình sự vật, mà sáng tạo một sinh thể ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Thái độ của họa sĩ đối với nghệ thuật cũng là thái độ của thiền đối với cuộc sống. Đó là lý do tại sao hầu hết các họa sĩ của tranh thiền đều là thiền sư hay thiền sinh.
Nét bút của họa sĩ phải dứt khoát như tia chớp, không tô sửa , phải vừa táo bạo vừa nhẹ nhàng . Ðó là thần bút . Bởi thế cái thần trong bức họa là nét bút của họa sĩ , nét nào đã phóng ra thì không bao giờ đồ lại . Nét đồ là nét chết. Do vậy một vật chỉ đẹp khi nó không bị ràng buộc hay câu thúc. Cái đẹp đó nằm trong sự buông xả. Bức tranh được hình thành trong cái tâm hư vô . Họa sĩ chụp bắt cái thần của sự vật đương lúc nó vận hành. Điều này có vẻ khó bởi vì vạn vật luôn vận động không bao giờ tĩnh tại. Nhưng họa sĩ thiền có thể làm được điều này nếu biết nắm bắt sự sống từ trong nội tâm hơn là bên ngoài.
Họa sĩ tranh thiền không dùng màu sắc lòe loẹt , chỉ dùng màu đen khi đậm , khi nhạt . Chỉ có sự cực kỳ đơn giản mới tượng trưng được cái Hư Không . Hơn nữa màu sắc gợi lên một thực thể trong thiên nhiên mà tranh thiền chủ trương không mô phỏng giống hệt sự vật , vã lại trang giấy phẳng và màu sắc không đạt được nguyên dạng sự vật .
Mặt khác , họa sĩ không được trì hoãn ngọn bút trong khi vẽ vì trì hoãn sẽ làm hỏng tờ giấy mong manh . Trì hoãn cũng có nghĩa là toan tính, thay đổi , điều nầy trái với tinh thần của tranh thiền . Nét bút phải xuất hiện đột ngột , bất chợt và bay đi vun vút như mất hút trên không trung . Nơi mà ta tưởng sẽ có một đường hay một chấm thì lại chẳng có gì cả. Nhưng sự thiếu vắng đó không gây thất vọng mà nó gợi ý mạnh mẽ hơn cho người xem. Cho nên tranh thiền có nhiều khoảng trống, thoáng và đầy gợi ý. Một trang giấy nhỏ có thể hàm ẩn cả vũ trụ. Một nét ngang ngụ ý cho sự mênh mông của không gian, một vòng tròn cho sự vĩnh hằng của thời gian, sự vô biên và sự sống . Những hình thức gây được nhiều gợi ý là những hình thức bất toàn và trống rỗng .
Bước vào thế giới tranh thiền là bước vào thế giới vô cùng vô tận của vũ trụ , trong đó qua những hình ảnh và nét bút thô sơ người vẽ tranh muốn ký thác cho người xem một chân lý vi diệu vừa được khám phá. Đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh, như căn phòng kín tối tăm đã lâu , nay được mở toang mọi cửa nẻo đón ánh sáng chói lọi của một ngày mới, như ngọn đèn vừa thắp lên sau bao tháng năm bỏ quên lăn lóc trong bóng tối âm thầm. Như vậy tranh thiền có thể xem như là một phương tiện chứng ngộ. Chức năng của tranh thiền giống với chức năng của công án thiền.

"Bồ Đề Đạt Ma"
Hakuin Ekaku (1689-1796)



"Vòng tròn viên mãn"
Torei Enji (1721-1801)



"Trúc trong gió"
Sengai Gibon (1750-1837)



"Chăn trâu"
Tsuboshima Dohei



"Quả"
Thiền sư Mục Khê (1180-1250)




"Thiền sư nhập định"
Thạch Khác ( thế kỷ thứ 10)



"Quán tự tại"
Tranh thiền Trung Quốc



"Bồ Ðề Ðạt Ma"
Tranh thiền Trung Quốc



"Dòng chảy"
Tranh thiền hiện đại



"Thiền sư"
Tranh thiền hiện đại



"Ngồi thiền"
Tranh thiền hiện đại



"Suy tư"
Tranh thiền hiện đại



"Thác nước"
Wang Shi Ming

Yoga

Yoga

Yoga là một bộ môn khoa học . Yoga không phải là những kiến thức huyền bí , mù mờ mà là một hệ thống định luật nhằm mục đích tráng kiện thân thể, phát triển trí tuệ , khai thông tâm thức . Yoga phát xuất từ Ấn Ðộ , gồm đủ hai phương diện. Về mặt triết lý, nó phối hợp với hệ phái Sàmïkhya ( Số Luận), có những tư tưởng căn bản như một hệ thống triết hay một hệ phái hẳn hoi, xứng đáng liệt ngang hàng với các hệ phái khác. Về phương diện thực hành, nó là một pháp môn tu dưỡng mà các hệ phái khác đều có . Yoga phiên âm là Du Già ( nhưng từ Yoga vẫn thông dụng hơn ) gốc tiếng Phạn có nghĩa là đặt mình dưới một cái ách, điều ngự, cột thắt lại, chuẩn bị, chuyên chú. Theo nghĩa nầy thì Yoga là luyện thân và luyện tâm, giúp hành giả nâng cao năng lực thân tâm cũng như những hoạt động của chúng trong chính mình, điều hoà chúng để rồi có thể tiến đến cấp bậc toàn hảo tâm linh. Nguyên tắc thực hành Yoga là tư thế thân, điều chế các giác quan và tâm thức, cách điều vận hơi thở v.v... Trước hết, phải giữ vững tư thế của thân thể, các bộ phận ở phía trên người , gồm ngực, vai và đầu phải thẳng tắp, rồi hướng các giác quan và tâm ý vào trái tim . Kế đó là sự kiểm soát hơi thở . Thực tập cho đến khi nào các hơi thở thành trầm tĩnh, nhẹ nhàng, qua các lỗ mũi. Nhờ đó mà thu thúc tâm ý, như buộc chặt con ngựa chứng vào cỗ xe. Hành giả được khuyến cáo là nên thực tập yoga trong một hang đá cản được gió cao, hay tại một nơi cao ráo, trong sạch, không bị gây trở ngại bởi các tiếng động, của nước chẳng hạn, và nơi mà tâm trí có thể dễ dàng thơ thới, con mắt không bị gây khó chịu. Kết quả tiến bộ đầu tiên của yoga là sự khinh an và sảng khoái, tráng kiện của thân thể, vắng bặt ham muốn, da tươi nhuận, âm thanh êm tai, hương vị dịu ngọt.

Theo sách Upanishad ( Áo Nghĩa Thư ) Yoga có 6 phần :
- Điều tức là điều chế hơi thở ra vào , tách ly hơi thở vào và hơi thở ra để cho tâm thức được thuần phục .
- Chế cảm là thâu tóm các giác quan lại cũng như không để ý vào những đối tượng của chúng. Sự kiểm soát toàn hảo này chỉ có thể được thực hiện khi tâm thức đã được điều phục .
- Tĩnh lự là thiền. Dòng tâm thức tương tục được gắn vào đối tượng một cách tự nhiên, không bị một hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu .
- Chấp trì là dán tâm vào một nơi, không cho tán loạn. Tập trung tâm thức vào một chỗ nhất định, rất cần thiết cho việc điều chế tâm thức, vốn có bản chất tán loạn, hồi hộp không yên. Những điểm tập trung được nhắc đến là xa luân ở khu vực tim, chóp mũi, đầu lưỡi v.v...
- Tầm tư là tư duy tìm hiểu.
- Tam-ma-địa là tâm an định . là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nhờ sự trình hiện chân thật của bản chất đối tượng mà hành giả đang quán chiếu, hành giả siêu việt ngay cả sự nhận thức đối tượng . Có hai dạng Tam-ma-địa :
Trong Tam-ma-địa có tư duy chủ động thì tâm thức của hành giả vẫn còn hoạt động mặc dù ông ta đã bị thu hút hoàn toàn bởi sự chuyên chú vào đối tượng đã chọn .
Trong Tam-ma-địa không còn tư duy thì sự nhận thức đối tượng tham quán tự hủy hoàn toàn và tâm thức của hành giả cũng ngừng hoạt động. Tâm thức tan biến .
Yoga là sự diệt trừ các tác dụng của tâm , cho đến khi các phẩm tính, được thu hồi trở lại trạng thái nguyên sơ, không bị chi phối và ràng buộc bởi thế giới vật chất. Các tác dụng của tâm trên bình diện tri thức gồm cả hai khía cạnh, hoặc đau khổ hoặc không đau khổ. Tu tập là nỗ lực đưa các tác dụng tâm này xuôi theo dòng thiện. Ở trong chiều đó, nhờ phân biệt chánh trí mà ta diệt trừ các tác dụng từng ý vốn là bất thiện, gây đau khổ.

Yoga có nhiều môn phái . Sau đây vài môn chính :
1-HATHA YOGA là một khoa luyện Âm Dương hiệp nhất. Nó giống khoa luyện khí công của người Trung Hoa. Vần HA tiêu biểu cho Mặt Trời là Dương. Vần THA tiêu biểu cho Mặt Trăng là Âm. Khoa nầy dùng cách hô hấp và phương pháp thể dục để thâu thập sinh lực vô mình. Có thể gọi nó là Khoa Luyện Trường Sanh. Ngày nay môn Yoga phổ biến và thịnh hành ở các nước Tây Phương là Hatha Yoga .
2- KARMA YOGA là con đường Hành động. Người tập Karma Yoga tin tưởng sự hiện hữu hiện tại là do các hành động của quá khứ ( Nghiệp) nên cố gắng hành động tốt , tư tưởng tốt , tạo nhân tốt để được quả tốt ở đời sau .
3- JNANA YOGA là con đường Minh Triết , luyện tập trí tuệ thông minh và hiểu biết sâu xa .
4- BHAKTI YOGA là con đường Sùng Tín (Sùng Ðạo) hay là con đường của Tình Thương . Người thực tập Bhakti Yoga sẽ thấy thượng đế ở trong tất cả mọi người nên không ganh ghét và hận thù bất cứ ai .
5- LAYA YOGA cũng gọi là Kundalini Yoga vì Yoga nầy chuyên lo mở luồng Hỏa Hầu Cung , nó ảnh hưởng tới các Luân Xa .
6- MANTRA YOGA dùng Thần Chú đặng làm cho cái Trí trở nên yên tịnh và còn nhiều sự hữu ích khác. Môn phái nầy thường bị hiểu nhầm là tà đạo vì sử dụng những công thức kỳ quặc , khó hiểu . Thực ra người thực hành Tantra Yoga phải tập nhận thức toàn diện và từ bỏ dục vọng , sống trong sạch , khiêm tốn , hiến dâng , dũng cảm , thiện tâm .
7- KRIYA YOGA tu theo cách khổ hạnh nhưng cũng học hỏi, cũng thờ phượng, cũng hiến dâng . Kriya Yoga tăng tuổi thọ và mở rộng tâm thức, nó kiểm soát trực tiếp tinh thần nhờ sanh lực. So sánh với con đường chậm chạp và không chắc chắn của Thần học thì Kriya Yoga giống như chiếc máy bay với cổ xe ngựa đời xưa.

Một yogi (người tập luyện yoga) muốn đạt đến đỉnh cao phải qua ngưỡng cửa của Hatha Yoga . Hatha Yoga là nền tảng của tất cả các môn Yoga, là cân bằng giữa căng và giãn, vận động và nghỉ ngơi. Gọi Hatha Yoga là dưỡng sinh tức là đánh thấp giá trị của nó vì trong Hatha Yoga có các môn khác và trong các môn khác đều có Hatha Yoga. Dù ở vào pháp môn nào, các bước căn bản mà một yogi phải theo là:
1- Giới (Yama) hay cấm chế . Những điều răn cấm không được vi phạm, có 5: không sát sanh , không nói dối , không trộm cướp, không tà dâm và không tham . Những răn cấm này được coi là có giá trị phổ biến, không hạn chế trong không gian, thời gian hay hoàn cảnh.
2- Luật (Niyama) hay khyến chế . Thực hiện các khuyến cáo: thanh tịnh , tri túc, khổ hạnh, học tập và tưởng niệm Thượng đế .
3- Điều thân (Asana) là điều nói về các tư thế, chẳng những làm chủ cơ thể mà còn phục hồi lại tất cả lệch lạc do đời sống mang lại đối với thể chất, tinh thần và tình cảm.
Có nhiều ngàn tư thế khác nhau , nhưng trên thực tế mỗi vị thầy yoga chỉ đưa ra vài chục và một yogi chỉ cần tập luyện từ 6 đến 10 tư thế hay chỉ một tư thế duy nhất (ví dụ tư thế Hoa sen hay Tọa thiền - Padmasana) tùy theo từng mục tiêu của họ. Tư thế ngồi hay tọa pháp là phép ngồi vững chắc và dễ chịu nhất , được coi là hoàn hảo khi nào không cần có cố gắng, khiến cho thân thể không bị dao động, hoặc khi tâm trí mở rộng vô hạn. Nhờ tư thế ngồi hợp cách mà khỏi bị gây phiền nhiễu bởi nóng và lạnh. Tư thế nầy được đạt qua tâm thư giãn tuyệt đối, qua tâm vô thức về các cặp đối nghịch như nóng lạnh, khổ lạc v.v... và qua sự quán chiếu cái tuyệt đối vô biên .
Theo các vị thầy nầy thì các quan năng khi đã khai mở (ngoài ngũ quan con người) sẽ kích thích, xoa nắn các tuyến hạch nằm sâu trong cơ thể, cộng với sự mềm dẻo của gân cốt, làm cho chúng ta lấy lại được cái vốn quý báu mà tạo hóa đã ban tặng. Sức khỏe càng tăng tiến thì mọi tính xấu như bi quan, mặc cảm, lo sợ dần dần bị xóa tan. Điều chú ý về tư thế , một tư thế dù khó nhất cũng sẽ làm được, hãy chọn cách nào thích hợp với lứa tuổi mình, tập tuần tự và kiên trì, không nôn nóng, nếu chưa thực hiện hoàn hảo cũng có tác dụng tốt như đã làm được.
4- Điều khí (Pranayama) kiểm soát và điều hòa hơi thở sau khi thân thể đã ngồi vững. Nên hiểu "khí" nơi đây trên cả dưỡng khí, là năng lượng vi tế chỉ có thể dẫn dắt bằng tâm trí đến một nơi hay toàn cơ thể. Luyện khí khá phức tạp và đa dạng. Người tập nên theo hướng dẫn của chân sư, vị thầy sẽ đưa ra từng cách vì lộ trình của người này tốt nhưng với kẻ khác thì không, và cũng tùy theo từng mục tiêu theo đuổi của mỗi cá nhân.
Thở có ba việc: thở ra, thở vào và ngưng thở, và điều khiển tùy theo vị trí, thời gian và số. Về nơi chốn, chú ý quan sát hơi thở khi vào thì đến vị trí nào trong ngực và bụng, khi ra thì đến đâu trong vũ trụ. Về thời gian, hơi thở đều đặn theo sự dài, ngắn, nhất định. Về số, tức đếm hơi thở, theo một con số với giới hạn nào đó. Như vậy, cho đến khi hơi thở dài và tế nhị. Cuối cùng là tâm và cảnh hợp nhất; tâm được tập trung trên một điểm duy nhất của đối tượng, không còn tán loạn .
5- Điều tâm (Pratyahara) hay chế cảnh , chế ngự các cảm quan và tách chúng ra khỏi những đối tượng ngoại giới, không buông thả chúng theo bản chất vốn luôn luôn hướng đến các đối tượng. Sự chế cảm là hướng chúng đến mục tiêu nội tại.
Năm phần Yoga trên là những bộ môn tu tập về tâm, thuộc ngoại phần tu tập , cũng gọi là hữu đức Yoga . Ba chi còn lại thuộc nội phần tu tập .
6- Tập trung (Dharana) hay chấp trì . Sau khi đã chế ngự được các cảm quan, tâm không còn tán loạn theo ngoại giới, bấy giờ chuyên chú trên một đối tượng của tu tập, như chóp mũi, giao điểm hai chân mày, hoa sen của trái tim, đan điền, hay hình ảnh của thần linh. Tâm phải an trụ vững vàng không dao động, như ngọn lửa không lung lay của một ngọn đèn. Không áp đặt tâm trí đến mức căng thẳng. Trạng thái phải nhẹ nhàng khoan thai.
7- Thiền (Dhyana) hay tĩnh lự . Thiền là trạng thái kéo dài của tập trung cộng thêm sự suy nghiệm đối tượng, sống với đối tượng đó, hay nói chính xác hơn là cá nhân thẩm thấu trong đối tượng hoặc đối tượng thẩm thấu trong cá nhân đến mức độ không còn là hai vật thể riêng biệt.
Thiền yoga đòi hỏi phải thực hành xong 5 giai đoạn trên trước khi khởi sự. Thời kỳ dài rèn luyện thân xác đó khiến cho cơ thể sẵn sàng tiếp nhận các phần việc sắp tới, và sau khi đã thích nghi với các điều kiện sống đơn độc, vô sản, vô gia cư, tâm trí hành giả cuối cùng mới có khả năng thực hành pháp yoga đích thực.
Thiền có hai loại:
Thiền có đề mục: Bằng cách có một đối tượng như vật thể, ý tưởng, một phần của cơ thể hay toàn bộ cơ thể của mình (quán nội quan). Nhìn về mặt thực dụng thì hình thức này là chìa khóa cho sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại. Những phát minh, những bế tắc được tháo gỡ đều phải bằng hình thức tư duy, suy nghiệm kéo dài hay là thiền có đề mục vậy.
Thiền không đề mục: Tức là không còn đề tài hay đối tượng nữa. Điều lầm lẫn ở đây là không phải trạng thái tâm thức rỗng không mà phải suy nghiệm về cái trống không đó.
8- Định (Samadhi : tam ma địa, tam muội) hay đẳng trì , trạng thái hoàn toàn tập trung tư tưởng. Đây là giai đoạn cuối cùng của Yoga. Trong giai đoạn tĩnh lự , vẫn còn có sự phân biệt giữa năng và sở, nhưng đến đây sự phân biệt ấy biến mất, tâm hoàn toàn thể nhập làm một với đối tượng . Giai đoạn này là niềm mơ ước không những của các yogi mà còn của các tín đồ các tôn giáo khác. Gọi đó là hòa nhập vào "tâm thức của vũ trụ" hay "nhập niết bàn" hay "trở về bản lai diện mục" đều có ý nghĩa là đạt đạo. Trên thực tế ít có người đi tới đỉnh cao này.

Người tập Yoga thực hiện được sự hợp nhất. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường phẫn nộ trước những điều xấu xa, những việc ác, xét đoán người nầy, kẻ nọ nhưng chúng ta sẽ không còn làm như vậy khi đã tiến đến sự hợp nhất. Người nào đã ý thức được sự hợp nhất, người ấy không xét đoán ai nữa cả , vì tất cả là một. Trong cái huy hoàng của một toàn thể hòa hợp, trong đó tất cả đều chan hòa là một, chỉ điều ấy thôi cũng đủ đưa cao chúng ta lên đời sống thiêng liêng tiến đến Chân Thiện Mỹ .

Trà đạo

Trà đạo






Trong văn hóa Nhật , trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Vào khoảng thời gian này, nhà sư Eisa (1141-1215) sang Trung Hoa học đạo . Khi về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này Eisai viết cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.
Trà có một mùi vị chan chát, thanh khiết, dịu nhẹ, gợi nên vị thiền .Trước khi có trà đạo, các thiền sư đã dùng trà để giúp cho việc thiền định. Mùa nắng, trà là thứ giải nhiệt, mùa đông là thứ sưởi ấm .
Sự thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, trở thành trà đạo (chado).
Bản chất của trà đạo là chú trọng đến sự vô thường , vì vậy những sự thường như việc uống một chén trà đều được làm một cách cẩn trọng, chu đáo , kiên trì , cho đến khi thực hiện những công việc bình thường ấy một cách vô thức như không biết là mình đang làm việc đó . Ðây là lúc đạt đạo .
Trà đạo gồm có 4 yếu tố : trà, trà thất, trà cụ , trà ẩm .
Ðối với Ttung Quốc trà là thức uống ngon miệng . Ở Nhật trà được dùng như một liệu pháp. Ðến thế kỷ thứ 15 nghi lễ uống trà được đặt ra và trà trong trà đạo không phải là trà thông thường mà là trà đã được nghiền thành bột, hoà vào nước sôi cho đến lúc thành một thứ nước trà có một hương vị nhẹ .
Trà thất là một gian lều cách biệt với nhà ở trong khu vườn được gọi là vườn sương. Khi bước vào khu vườn sương, khách cảm thấy như thoát khỏi mọi ô uế của thế giới ồn ào bên ngoài và lạc vào một khoảng không thanh tịnh .Trong lều mặt đất được phủ bằng một thứ chiếu rơm. Mái nhà thường lợp bằng rơm và vách làm bằng một thứ giấy , dựng với những cột trông có vẻ rất thô sơ . Ở góc lều, có một khoảng dành để treo tranh vẽ hoặc bức chữ treo sát vào vách, với một hòn đá, vài cánh hoa hay một đồ vật mỹ thuật. Mọi vật trong lều phải có vẻ cũ kỹ . Kết cấu gian lều bao hàm ý tưởng vô thường : sự phù du được gợi ra qua mái tranh, sự hư nhược với những chiếc cột mỏng mảnh, sự khinh bạc qua những cọc chống bằng tre, sự cẩu thả bề ngoài qua những vật liệu tầm thường . Riêng sự thường trụ chỉ có thể nhận thấy qua phong thái tao nhã của trà nhân.
Trà cụ gồm có :
Bếp đun bằng than và hai thanh tre dùng để kẹp than . Nước suối đựng trong một cái bình biểu tượng của sự trong sạch chỉ có chủ nhà mới được đụng đến. Ấm đồng nấu nước , trên đáy ấm thường được sắp vài mảnh kim loại , nhờ vậy, khi sôi, nước sẽ phát ra tiếng reo như thác nước rơi hay như sóng biển vỗ vào vách đá . Nước biểu tượng cho âm, lửa biểu tượng cho dương. Một cái bát lớn để thải nước trà dư, một mảnh vải trắng nhỏ dùng để lau khô chén trà, muỗng bằng tre dùng để chia trà , muỗng cán dài dùng chuyển nước ở bình. Bình trà kèm theo que tre để khuấy trà và các chén màu sắc sẫm, dáng dấp thô kệch và thường thường người ta cố ý tráng men không đều, vẻ như chế tạo vụng về , khiến người xem thấy được cái "ngẫu nhiên" ở trên các vật đó. Các chén trà biểu tượng cho mặt trăng (âm) được xếp cạnh bình trà tượng trưng cho mặt trời ( dương ) .
Trà ẩm phải theo một nghi thức đặc biệt. Khách đến ngồi vào chỗ của mình. Chủ khách lần lượt cúi chào lẫn nhau . Chủ nhân nhóm lửa than, dùng muỗng tre cho nước vào một cái ấm đồng. Cử chỉ luôn luôn ung dung, thư thả . Khi nước bắt đầu reo thì tất cả im lặng để lắng nghe . Một lát sau, chủ mời từng người khách một. Dùng cái muỗng tre để khều trà trong hộp ra, chuyển nước ở bình bằng thứ muỗng cán dài và sau khi khuấy trà bằng que tre, chủ nhân hai tay nâng chén trà mời vị khách chính trước tiên và vị khách này cúi người , đưa hai tay nhận chén trà. Chén trà được nâng lên và xoay trên tay biểu thị sự ngưỡng mộ. Việc giao tiếp theo kiểu trà đạo cổ truyền phải theo bốn qui định : giữ sự ôn hoà (Hòa), tôn kính lẫn nhau (Kính), trà thất thanh tịnh (Thanh), tâm ý thanh nhàn (Tịch) .
Trà đạo nâng cao phẩm chất con người, chú trọng đến cái đẹp trong những công việc bình thường, phát triển nhân cách. Ðó là đức tính tinh khiết và sự hoà hợp - giúp người ta cảm nhận được sự nhân ái và trật tự xã hội. Một nhúm trà gói ghém thiên nhiên được truyền nhiệt lượng để nở bùng thành một chén trà xanh thơm ngát, trái tim của chúng ta cũng gói ghém những niềm vui tao nhã, được ngụm nước trà nóng làm bùng nở cái nhân tính tự nhiên trong con người của chúng ta .

Vườn thiền

Vườn thiền


Vườn thiền là một loại hình nghệ thuật phổ biến ở Nhật . Các thiền sư Nhật đã mượn nghệ thuật nầy để tạo ra môi trường phù hợp cho việc tu học . Tại kinh đô Kyoto ( Nhật Bản) , ngôi chùa Ryuanji (Long An) nổi tiếng khu vườn cảnh . Khu vườn cảnh này chẳng có bông hoa ,cỏ cây, mà chỉ được thiết kế bằng mười mấy hòn đá và rất nhiều cát trắng . Mới nhìn vào, chẳng có gì nổi bật cả nhưng trải qua sự thiết kế linh xảo của thiền giả thì lại rất có sức hấp dẫn kỳ diệu tạo cho người tham quan một cảm giác thư thái , dễ chịu .
Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng họ đã tìm ra điều bí mật đằng sau cảm giác thư thái đó: khu vườn hơn 5 thế kỷ đã gửi một thông điệp ẩn - một bức tranh “hình cây” - tới tiềm thức của chúng ta.
Vườn là một khoảnh sân hình chữ nhật, kích thước 30 x 10 mét, bao ba mặt là những bức tường đất, mặt thứ tư là hè gỗ. Bên trong được rải một lớp sỏi trắng và 15 tảng đá lớn. 15 tảng đá này có kích cỡ khác nhau, được xếp thành 5 khối riêng biệt. Mỗi ngày, thảm sỏi lại được đảo đều, theo hình vòng tròn quanh mỗi khối đá và theo hàng ở những chỗ còn lại. Những khối đá được sắp xếp khéo đến nỗi, dù bạn quan sát từ góc độ nào cũng chỉ thấy được 14 tảng. Từ lâu, người ta vẫn tin rằng khi đến thăm vườn Thiền, tinh thần của bạn sẽ được khai sáng.


Trong nhiều thế kỷ, nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích về khu vườn được UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới này. Có giả thuyết cho rằng thảm sỏi trắng tượng trưng cho đại dương, và những hòn đá là các quần đảo của Nhật Bản. Giả thuyết khác lại nhìn thấy ở đó một gia đình nhà hổ, gồm một con mẹ và những con non, đang bơi qua một biển cát trắng… Tuy nhiên, vẫn chưa ai giải thích được sức hấp dẫn kỳ diệu của vườn Thiền. Nay, sử dụng những tính toán đối xứng, nhóm nghiên cứu của Gert Van Tonder, Đại học Kyoto, đã nhận ra hình một thân cây nằm trong những khoảng trống giữa những khối đá đó. Thân cây này cũng nằm thẳng hàng với một vị trí tốt nhất trong một ngôi đền cổ ở cạnh đó, để từ đây có thể nhìn ra vườn. Van Tonder nói: “Một cách vô thức, chúng ta đã tri giác thấy hình thân cây ẩn, và chính nó đã đem lại vẻ quyến rũ bí ẩn cho vườn Thiền”. Van Tonder cũng đã thử tính toán trong trường hợp những khối đá được xếp ở các vị trí ngẫu nhiên khác. Kết quả là ông không hề tạo được một hình cây tương tự. Điều đó chứng tỏ người xưa đã bố trí khu vườn này không phải theo một cách tình cờ. Và khu vườn, giống như nụ cười bí ẩn của Mona Lisa, hàng thế kỷ qua vẫn có sức quyến rũ với hàng triệu du khách.


Khu vườn trang trí bằng các hòn đá nầy được Tây phương biết đến dưới tên gọi là Vườn thiền (Zen garden , tiếng Nhật gọi là Zen niwa)) do nhà văn nữ Hoa kỳ Loraine Kuck viết trong cuốn sách " 100 khu vườn của Kyoto" ( 100 Gardens of Kyoto ) .
Các ngôi vườn Phật giáo thì đã có từ thế kỷ thứ 6, nhưng những nét đặc trưng về khung cảnh khô (dry landscape) của vườn thiền mãi đến thế kỷ 14 mới bắt đầu. Một số vườn Thiền chỉ bao gồm sự kết hợp của các khối đá. Tuy nhiên những điểm nổi bật của một mảnh vườn Thiền Nhật bản thường là khung cảnh khô tạo nên một sắc thái giống các tranh vẽ 3 chiều. Mảnh vườn không quá lớn, kích thước gần với một sân chơi nhỏ hơn là một khu vườn. Dùng các hiệu ứng tâm lý tạo cảm giác về không gian và khoảng cách như là việc thiết trí các cây bonsai nhỏ làm nền. Các non bộ (hay tảng đá) được đặt cẩn thận gợi cảm của núi non hùng vĩ. Cát được trải thành các dòng chảy nhỏ, tạo ra hình ảnh của nước. Cách bài trí không đối xứng và dùng cây cỏ sắp xếp giản dị và là loại cây dễ tìm. Phản ánh khung cảnh thiên nhiên.


Nói chung , vườn thiền được thiết kế trên một diện tích nhỏ vài mét vuông với thảm sỏi trắng tinh , phiến đá lót đen tuyền , hai , ba tảng đá được lựa chọn kỹ ... Gam màu đặc biệt trầm. Ðá có ý nghĩa quan trọng trong vườn thiền (người Nhật tự tu dưỡng tinh thần bằng cách ngồi xem đá mọc). Vườn thiền được trang trí bằng những đường nét đơn giản hài hoà, tránh sơn màu loè loẹt , tôn trọng sự giản dị , thanh khiết.
Phong cách thiết kế vườn thiền còn ảnh hưởng sâu sắc đến kiểu thiết kế vườn hoa Trung Quốc. Ðặc biệt ngày nay, người ta chú trọng vào việc làm đẹp vườn nhà, làm đẹp tâm hồn, vậy nên vườn thiền có thể cung cấp cho các nhà thiết kế trang trí một sự tham khảo quí báu.
Triết lý của vườn thiền là một sự cố gắng nắm bắt tinh thần hay cốt tủy của thiên nhiên hơn là một sự bắt chước thiên nhiên. Do đó, các mảnh vườn này có thể rất trừu tượng. Với cõi lòng thư thái, bình thản nên khi bước chân vào những cảnh vườn như thế, ngồi yên lặng nơi cửa vườn, ngắm nhìn đá trắng như băng giá nhưng lại dịu dàng ấm áp, bất giác tâm hồn bay bổng trong cảnh trời biển bao la, hòa quyện trong thế giới sâu rộng huyền diệu của thiền. Từng hạt cát, viên sỏi hay từng tảng đá cũng làm dấy lên trong lòng người một sự tư duy về mối tương duyên trong cuộc sống hay sự ảo hoá của kiếp người...